Tổ hợp giáo dục Pschool – “HÀNH TRANG VÀO 10 NĂM 2024” – Những thông tin “đắt giá” về ngôi trường THPT mà không phải ai cũng nói với bạn

 Ngày 28/07/2024 vừa qua, Tổ hợp giáo dục Pschool đã tổ chức thành công tọa đàm “Hành trang vào 10” với sự tham dự của các diễn giả là các thầy cô giáo, các anh chị học sinh, cựu học sinh của các trường THPT, THPT Chuyên trên địa bàn quận Hà Đông và đông đảo khách mời là phụ huynh và các em học sinh 2k9. Tọa đàm lần này do Tổ hợp giáo dục Pschool tổ chức thu hút được sự quan tâm lớn của phụ huynh và các em học sinh khi có tới học sinh của gần 20 trường THPT đăng ký tham dự. Trong đó, có thể kể tới một số trường như: THPT Chuyên Nguyễn Huệ, THPT Lê Quý Đôn – Hà Đông, Quang Trung, Trần Hưng Đạo,… và một số trường THPT khác ngoài khu vực Hà Đông như THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam, THPT Sơn Tây, THPT Hoài Đức A,…

Ngay từ sáng sáng sớm, phụ huynh và các em học sinh đã có mặt để làm thủ tục check-in. Nhiều em trong số đó đi cùng nhóm bạn bè và phụ huynh.

Các diễn giả khách mời cũng có mặt từ rất sớm để chuẩn bị cho chương trình.

Mở đầu chương trình, MC Đại Nghĩa gửi lời chào tới toàn thể hội trường và giới thiệu các thành viên diễn giả khách mời.

Tham dự buổi tọa đàm, về phía đại diện Tổ hợp giáo dục Pschool có: Tiến sĩ Phạm Văn Hoằng – Giảng viên trường Đại học giáo dục, ĐHQGHN – Cố vấn cấp cao Tổ hợp giáo dục Pschool; Thạc sỹ Thiều Quang Thắng – Giám đốc điều hành Tổ hợp giáo dục Pschool.

Về phía diễn giả khác mời: Có sự tham gia của các thầy cô là giáo viên trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ: Cô giáo Lê Thị Hòa – Giáo viên môn Toán; Cô giáo Đào Thị Hiên – Giáo viên môn Văn; Cô giáo Đào Thị Sáng – Giáo viên môn Tiếng Anh, Cô giáo Nguyễn Thị Minh Ánh – Giáo viên môn Văn.

 Về phía diễn giả là các anh chị học sinh, cựu học sinh: Có sự tham gia của: Anh Nguyễn Bảo Đức – cựu học sinh lớp 12 Toán 1, Trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ, Sinh viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội; chị Trương Phương Linh – học sinh lớp 12 Hóa 1, Trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ; anh Phan Minh Cường – cựu học sinh trường THPT Lê Quý Đôn – Hà Đông, sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Mở đầu chương trình, toàn thể khán phòng đã được thưởng thức tiết mục văn nghệ mang tên “Nhà em ở lưng đồi” được thể hiện dưới giọng ca đầy cảm xúc của chị Trương Phương Linh – diễn giả khách mời của tọa đàm.

Tọa đàm bao gồm bốn nội dung chính xoay quanh các khía cạnh liên quan đến môi trường THPT mà các em học sinh 2k9 đang chờ mong.

 – Phần 1: Giới thiệu chung về môi trường THPT

 – Phần 2: Những thay đổi trong chương trình học, cách thức chọn tổ hợp môn học

 – Phần 3: Tư vấn kinh nghiệm học tập, thi HSG, tham gia CLB, HĐNK. Cách thức cân bằng những yếu tố đó với cuộc sống cá nhân

 – Phần 4: Kinh nghiệm học và thi các chứng chỉ IELTS/SAT hoặc tham gia các kỳ thi ĐGNL/ĐGTD,…

 – Phần 5: Q&A

 Đến với phần I và phần II của tọa đàm, các thầy cô và anh chị diễn giả đã có những chia sẻ hết sức chân thực về môi trường THPT, những điểm giống và khác của môi trường cấp 3 so với cấp 2 mà các em học sinh vẫn đang quen thuộc và cách dạy của các thầy cô cấp 3 có gì giống và khác so với cách dạy của các thầy cô cấp 2; cách thức chọn tổ hợp các môn học phù hợp với mỗi trường THPT và với bản thân các em.

 Bằng kinh nghiệm giảng dạy các lớp khối cấp 2 và đang công tác tại ngôi trường THPT, cô Lê Hòa đã có những chia sẻ liên quan đến sự khác biệt của hai môi trường này như sau: Theo cô, việc học tập khi lên môi trường cấp 3 đòi hỏi học sinh phải có sự nỗ lực gấp nhiều lần, đối với các em học sinh chuyên có lẽ sẽ nhẹ nhàng hơn vì đã quen với việc học tập cường độ cao trong thời gian ôn chuyên, tuy nhiên đối với các em học sinh đang theo học hệ phổ thông công lập cần có thời gian và quá trình để làm quen và thích nghi dần với cường độ học tập này. Việc kiểm tra đánh giá đối với môn Toán nói riêng cũng có sự đổi khác từ hình thức thi tự luận sang hình thức thi trắc nghiệm, điều này đòi hỏi sự thay đổi trong phương pháp giảng dạy của thầy cô và cách học của học sinh. Cô cũng chia sẻ thêm về điểm mới trong cách ra đề kiểm tra môn toán bắt đầu từ các năm học tới. Đối với việc lựa chọn môn học tổ hợp, cô đã có nhiều lời khuyên hữu ích liên quan đến vấn đề này. Vì việc thay đổi tổ hợp sau khi đăng ký ban đầu tại một số trường đòi hỏi học sinh cần học bổ trợ lại một số môn nào đó không có trong tổ hợp cũ, học sinh cần hoàn thiện 70 tiết và 8 đầu điểm trong thời gian học bổ trợ. Điều này đòi hỏi học sinh phải nỗ lực nhiều, mất thêm thời gian nếu có ý định thay đổi tổ hợp; và đặc biệt, cũng sẽ gặp khó khăn trong việc chuyển trường. Vì vậy, cả học sinh và cha mẹ cần cân nhắc kĩ trước khi lựa chọn tổ hợp để đăng ký theo học.

Cô Đào Hiên cũng đã có những chia sẻ thiết thực liên quan đến sự thay đổi trong hình thức ra đề kiểm tra môn văn bắt đầu từ năm học 2024-2025 và tầm quan trọng của môn Văn trong việc xét tuyển đại học kết hợp cùng các phương thức xét tuyển khác.

Cô Minh Ánh chia sẻ, theo cô sự khác biệt lớn nhất giữa hai môi trường đó là sự chủ động. Môi trường THPT yêu cầu học sinh cần nâng cao khả năng chủ động, chăm chỉ, tự học và tự tạo các cơ hội học tập cho bản thân nhiều hơn, đơn cử như việc trao đổi với giáo viên các thông tin cần thiết phục vụ cho việc học, xin thêm tài liệu, bài tập,…

Về phía diễn giả là các anh chị học sinh, cựu học sinh, chị Phương Linh đem đến những chia sẻ liên quan đến việc làm sao để có thể trở nên hòa đồng hơn trong môi trường mới cũng như chuẩn bị về mặt tri thức học tập và tham gia CLB khi chuẩn bị bước vào môi trường cấp 3. Chị đã chia sẻ kinh nghiệm sử dụng các công cụ học tập qua truyền hình, internet để tìm hiểu trước các bài học của lớp 10 hay bắt tay vào tìm hiểu các câu lạc bộ phù hợp với bản thân thông qua các trang thông tin của trường.

Chị Trương Phương Linh (Học sinh lớp 12 Hóa 1, Trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ; Thành viên Group Diễn giả Hóa – Dự án High School Help Kit; thành viên CLB MIC -CLB Âm nhạc duy nhất của trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ)

Anh Minh Cường lại đem đến một ví dụ điển hình cũng như một “kinh nghiệm xương máu” trong việc giao lưu, kết bạn khi vừa bước chân vào ngôi trường THPT; khi anh đã cố gượng ép bản thân vào quá nhiều mối quan hệ mới để rồi tạo ra những tình huống khó lường, gây ảnh hưởng tới bạn bè và chính bản thân. Từ đó, Minh Cường cho rằng việc tự rèn luyện các kỹ năng giao tiếp, ứng xử là điều vô cùng quan trọng khi bước vào ngôi trường THPT.

Anh Phan Minh Cường (Sinh viên khoa Ngữ văn, Trường Đại học sư phạm Hà Nội; cựu học sinh trường THPT Lê Quý Đôn; Co-founder kiêm Trưởng ban Truyền thông – Sự kiện CLB Innertia – Tiền thân là CLB Tâm lý học Trường THPT Lê Quý Đôn Hà Đông; Trưởng ban Truyền thông của nhiều CLB khác như: dự án thiện nguyện MAJORIS PROJECT, Sự kiện GEN 1.0 tại CLB Tâm lý học Doninner – nay là Innertia, dự án văn hoá Éventé Project,…)

“Sự định hướng là yếu tố quan trọng nhất” – Anh Bảo Đức chia sẻ. Theo anh, sự chuẩn bị về mặt kiến thức khi các em học sinh bước vào lớp 10 có thể chưa cần quá nhiều, tuy nhiên cần để tâm tới việc định hướng, không chỉ là môn học mà còn là sự định hướng về ngành nghề sau này. Từ ngành nghề, các em có thể tìm hiểu về các ngôi trường đại học mình dự định theo học, từ ngôi trường đó sẽ cần tìm ra hướng đi để vào được ngôi trường đó. Có thể thấy, hiện nay có nhiều hướng đi để vào được một trường đại học như: sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT Quốc gia, sử dụng các phương thức xét tuyển,…. Vì vậy, nên lựa chọn con đường phù hợp nhất với bản thân để đặt ra những lộ trình phù hợp. Anh còn chia sẻ thêm, việc lựa chọn tổ hợp học không phải bỏ hoàn toàn các môn còn lại không học, tuy nhiên mình cần nắm được kiến thức trọng tâm và duy trì thái độ học tập tích cực trên lớp.

Anh Vũ Bảo Đức (Cựu học sinh lớp 12 Toán 1 trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ SAT: 1600/1600; IELTS: 8.0; Đạt điểm xét tuyển 1.680, đỗ đầu Đại học Bách khoa Hà Nội ở phương thức xét tuyển tài năng, áp dụng với thí sinh có chứng chỉ quốc tế)

 Bước vào phần III, IV các diễn giả tiếp tục chia sẻ những kinh nghiệm, lời khuyên hữu ích liên quan đến việc tham gia các kỳ thi học sinh giỏi, tham gia hoạt động ngoại khóa hay CLB,..; ôn thi các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy hay các chứng chỉ quốc tế trong xét tuyển đại học như IELTS, SAT,…

 Cô Lê Hòa – bằng kinh nghiệm giảng dạy đội tuyển học sinh giỏi nhiều năm và anh Hữu Chính – với thành tích đạt hai giảng thi học sinh giỏi cấp thành phố môn Toán đã chia sẻ về lộ trình, kinh nghiệm ôn thi học sinh giỏi tới phụ huynh và các em học sinh. Anh Hữu Chính cũng đã chia sẻ thêm về những thuận lợi mà giải học sinh giỏi mang lại cho anh trong quá trình xét tuyển đại học.

Anh Hữu Chính (Cựu học sinh lớp 12 Toán 1, Trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ; trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển thẳng 5 trường Đại học top đầu như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học sư phạm Hà Nội, Đại học Ngoại thương,..); giải Nhì và giải Ba kỳ thi học sinh giỏi cấp Thành phố môn Toán.

 Tiếp sau đó, anh Minh Cường và chị Phương Linh – những người có kinh nghiệm dày dặn trong việc tham gia các hoạt động ngoại khóa và câu lạc bộ cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm rất chung mà cũng rất riêng của bản thân và đưa ra lời khuyên cho các em liên quan đến các câu hỏi như: Có nên tham gia câu lạc bộ khi học cấp 3, có nên tham gia nhiều câu lạc bộ cùng lúc, nên tham gia câu lạc bộ trong hay ngoài trường, làm thế nào để cân bằng giữa việc học và tham gia câu lạc bộ,…?

 Chia sẻ xoay quay vấn đề này, các diễn giả đều đưa ra các câu trả lời hướng đến việc nên tham gia câu lạc bộ khi lên cấp 3, điều này giúp cho các em phát triển thêm nhiều ki năng mềm khác bên cạnh việc học; mỗi câu lạc bộ đều thiên về một lĩnh vực riêng cụ thể, trong mỗi câu lạc bộ lại có những phân ban khác nhau và cách làm việc khác nhau, vì vậy các em nên cân nhắc lựa chọn câu lạc bộ và phân ban phù hợp với bản thân. Mỗi loại hình câu lạc bộ (trong và ngoài trường) đều có ưu và nhược điểm khác nhau, vì vậy sự tìm hiểu và chọn lọc thông tin là rất cần thiết. Và đặc biệt, không nên tham gia quá nhiều câu lạc bộ mà cần chọn câu lạc bộ uy tín, phù hợp với bản thân và cân bằng được với cuộc sống, việc học và các mối quan hệ xung quanh.

 Cuối cùng, cô Đào Sáng và diễn giả Bảo Đức chia sẻ thêm tới tọa đàm các thông tin hữu ích liên quan đến các chứng chỉ quốc tế phục vụ cho việc xét tuyển đại học như IELTS và SAT và giải đáp các câu hỏi xoay quanh việc ôn luyện và thi các chứng chỉ này.

Tiến sĩ Phạm Văn Hoằng – đại diện Tổ hợp giáo dục Pschool chia sẻ thêm về xu hướng thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy và các phương thực xét tuyển đại học trong thời gian tới cũng như giới thiệu về những điểm mới trong mô hình Tổ hợp giáo dục Pschool hướng tới hỗ trợ học sinh khóa 2k9 tới phụ huynh và các em học sinh.

Cuối chương trình, các diễn giả trả lời các câu hỏi được phụ huynh và các em học sinh gửi về BTC thông qua form đăng ký và trực tiếp tại tọa đàm.

Thay mặt ban tổ chức, Tổ hợp giáo dục Pschool xin gửi lời cảm ơn chân thành tới các diễn giả tham dự tọa đàm vì một buổi chia sẻ thông tin vô cùng hữu ích và ý nghĩa, để lại nhiều ấn tượng trong lòng phụ huynh và các em học sinh tham dự tọa đàm; xin cảm ơn các quý phụ huynh và các em học sinh đã  lựa chọn tin tưởng Pschool trong các hoạt động vì cộng đồng. Xin kính chúc các diễn giả, quý phụ huynh và các em học sinh sức khỏe, thành công. Trân trọng!

Một số hình ảnh lưu niệm sau khi kết thúc tọa đàm:

Cảm nhận của một số phụ huynh sau khi tham dự tọa đàm:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *